Bài viết
Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây ảnh hưởng lớn đến chức năng nhìn cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm dây thần kinh thị giác qua chia sẻ của Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mặt Hà Nội 2
Viêm dây thần kinh thị giác: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây ảnh hưởng lớn đến chức năng nhìn cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm dây thần kinh thị giác qua chia sẻ của Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mặt Hà Nội 2
Viêm dây thần kinh thị giác là gì?
Viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis) là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương do sưng viêm, người bệnh thường cảm thấy đau khi vận động mắt hoặc bị mất thị lực tạm thời. Ngoài ra, viêm dây thần kinh thị giác ở trẻ em thường mau hồi phục và có triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Có 2 loại viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:
- Điển hình (typical): Thường ảnh hưởng một mắt và tự hồi phục sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị. Đây cũng là loại phổ biến nhất.
- Loại không điển hình (atypical): Thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt, triệu chứng nghiêm trọng và thời gian hồi phục lâu hơn. Thường có liên quan đến các rối loạn thần kinh phức tạp.
Dây thần kinh thị giác nằm phía sau mắt, còn được gọi là dây thần kinh sọ II (trong 12 đôi dây thần kinh sọ não). Dây thần kinh thị giác có chức năng truyền thông tin thị giác từ võng mạc đến trung tâm thị giác của não thông qua các xung điện.
Nguyên nhân viêm dây thần kinh thị giác
Cơ chế gây ra viêm dây thần kinh thị giác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm dây thần kinh thị giác.
1. Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) có quan hệ mật thiết với tình trạng viêm dây thần kinh thị giác. Đa xơ cứng là tình trạng tự miễn ảnh hưởng đến não và tủy sống. Ở người bệnh đa xơ cứng, hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào myelin (vỏ bọc bao quanh dây thần kinh não và tủy sống). Tổn thương vỏ myelin làm gián đoạn tín hiệu mà dây thần kinh gửi về não, bao gồm cả thông tin thị giác. Khoảng 50% người từng mắc viêm dây thần kinh thị giác sẽ mắc bệnh đa xơ cứng trong vòng 15 năm(1)
2. Tình trạng tự miễn và viêm nhiễm
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng tự miễn và viêm là tác nhân hàng đầu gây viêm dây thần kinh thị giác. Tự miễn là tình trạng hệ miễn dịch bị rối loạn, không phân biệt được các tế bào lành tính trong cơ thể và kháng nguyên gây bệnh. Hệ miễn dịch có thể tấn công nhầm vào các tế bào lành tính, gây ra tình trạng viêm dây thần kinh thị giác.
3. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể gây tổn thương dây thần kinh, tạo ra tình trạng viêm dây thần kinh thị giác, đặc biệt nhiều hơn ở trẻ em. Bốn loại mầm bệnh chính thường gây ra nhiễm trùng bao gồm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng(2).
Các loại virus có thể gây viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:
- Varicella (gây thủy đậu, bệnh zona).
- Virus herpes simplex loại 1 và 2.
- HIV.
- Virus lây truyền từ muỗi.
Vi khuẩn có thể gây viêm dây thần kinh thị giác xuất phát từ động vật như:
- Bệnh Lyme.
- Bệnh lao.
- Giang mai.
Các loại nấm có thể gây viêm thần kinh thị giác bao gồm:
- Cryptococcus neoformans (cryptococcosis).
- Các loài candida khác nhau (candida).
- Histoplasmacapsulatum (histoplasmosis).
- Nhiều loại aspergillus (aspergillosis).
Một số loài ký sinh trùng có thể gây viêm dây thần kinh số II bao gồm:
- Toxoplasma gondii (toxoplasmosis) từ mèo.
- Toxocara canis (bệnh giun đũa chó) từ chó.
4. Thuốc và chất độc
Một số loại thuốc hay chất độc có thể gây ra tổn thương thần kinh. Một số loại thuốc có thể kể đến bao gồm:
- Các loại thuốc điều trị nhiễm trùng, như ethambutol, chloramphenicol, isoniazid hoặc kháng sinh loại sulfa.
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, như amiodarone hoặc digoxin.
- Thuốc trị sốt rét loại quinine, bao gồm chloroquine và hydroxychloroquine.
- Thuốc chống ung thư, như methotrexate, vincristine và tamoxifen.
Ngoài tác dụng phụ của thuốc, một số sản phẩm độc hại như thuốc lá, nicotin, rượu cũng được cho rằng có thể gây viêm thần kinh.
5. Thiếu máu cục bộ
Tình trạng thiếu máu cục bộ gây suy giảm lưu lượng máu đến các dây thần kinh. Các dây thần kinh khi không được cung cấp đủ máu có thể ngừng hoạt động, trong đó có dây thần kinh thị giác.
6. Khối u chèn ép
Khối u phát triển ở khu vực não có thể gây ra chèn ép dây thần kinh, gây tổn thương và viêm dây thần kinh thị giác. Các khối u và trạng não úng thủy là nguyên nhân phổ biến gây chèn ép dây thần kinh thị giác.
7. Thiếu vitamin
Các vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng đến chuyển hóa năng lượng và sức khỏe thần kinh. Thiếu vitamin nhóm B, đặc biệt B12, có thể gây tổn thương thần kinh.
8. Các tình trạng khác
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, một số bệnh cũng gây tình trạng thần kinh dễ bị tổn thương như tiểu đường type 2.
Triệu chứng viêm dây thần kinh thị giác
Triệu chứng viêm dây thần kinh thị giác có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển nặng hơn theo thời gian, bao gồm:
- Hình ảnh bị lóa, mập mờ, không rõ ràng.
- Đau phía sau hốc mắt.
- Đau khi di chuyển mắt.
- Màu sắc của vật trở nên xỉn hoặc nhạt hơn(3).
Các triệu chứng có thể ngày càng nặng hơn nếu người bệnh không điều trị bệnh.
Chẩn đoán tình trạng viêm dây thần kinh thị giác
Để chẩn đoán tình trạng viêm dây thần kinh thị giác, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp như:
- Kiểm tra tình trạng dây thần kinh thị giác có sưng hay không bằng kính soi đáy mắt. Ngoài viêm dây thần kinh thị giác, kính soi đáy mắt được dùng trong chẩn đoán nhiều bệnh về võng mạc, giác mạc, hoàng điểm,…
- Kiểm tra tầm nhìn ngoại vi của người bệnh. Tầm nhìn ngoại vi có thể bị thu hẹp, khiến người bệnh cảm thấy như đang nhìn thông qua một lỗ tròn (tầm nhìn hình ống – tunnel vision).
- Kiểm tra khả năng phân biệt màu sắc, vì người viêm dây thần kinh thị giác có thể thấy màu sắc bị sai lệch.
- Khám độ nhạy với ánh sáng của đồng tử.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) trong một số trường hợp như nghi ngờ khối u chèn ép dây thần kinh hay bệnh đa xơ cứng.
Phương pháp điều trị viêm dây thần kinh thị giác
Viêm thần kinh thị thường tự thuyên giảm sau vài tuần đến vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể giúp triệu chứng không tiến triển nặng hơn, rút ngắn thời gian khôi phục thị giác. Liệu pháp phổ biến nhất dùng để điều trị viêm dây thần kinh thị giác là dùng thuốc corticosteroids.
Corticosteroids là các đồng phân tổng hợp của hormone steroid được sản xuất ở tuyến thượng thận, có tác dụng kháng viêm, giảm dị ứng, ức chế miễn dịch. Corticosteroids được dùng dưới nhiều dạng như uống, hít, bôi, tiêm… Đối với viêm dây thần kinh thị giác, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc dưới dạng uống hoặc tiêm.
Viêm dây thần kinh thị giác có nguy hiểm không?
Viêm dây thần kinh thị giác thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe người mắc. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hướng lớn đến chất lượng cuộc sống của người mắc do những cơn đau và sự hạn chế về mặt thị giác. Thế nên, người bệnh nên sớm điều trị từ khi mới xuất hiện các triệu chứng viêm dây thần kinh thị giác.
Cách phòng ngừa tình trạng viêm thần kinh thị giác
1. Tránh sử dụng thuốc lá
Không hút thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có viêm dây thần kinh. Bên cạnh đó, không nên dùng các loại thuốc lá điện tử vì ngày càng có nhiều dẫn chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2. Điều trị nhiễm trùng kịp thời
Khi bị nhiễm trùng vùng mắt hay có dấu hiệu của viêm thần kinh thị giác, nên điều trị sớm bằng thuốc để tránh các biến chứng trở nên nặng hơn.
3. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ
Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu xảy ra dấu hiệu viêm thần kinh thị giác, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để làm rõ nguyên nhân bệnh và thay đổi thuốc nếu cần thiết.
4. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Bổ sung các vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe hệ thần kinh trước các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
5. Kiêng sử dụng các chất có cồn
Giống thuốc lá, đồ uống có cồn có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm nếu lạm dụng hoặc nghiện. Nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu bia ở mức thấp nhất có thể.
6. Kiểm soát tình trạng viêm nhiễm và tự miễn
Đối với những người mắc các bệnh tự miễn, cần sớm đi khám và điều trị, vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người mắc viêm dây thần kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng cao hơn người bình thường.
Câu hỏi thường gặp
1. Tình trạng viêm dây thần kinh thị giác kéo dài bao lâu?
Viêm dây thần kinh thị giác kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào dạng bệnh và phương pháp điều trị bệnh. Viêm dây thần kinh thị giác điển hình thường kéo dài một vài tuần, có thể hồi phục nhanh hơn nếu được điều trị, thường mất 3-12 tuần. Ở dạng không điển hình, bệnh có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí vĩnh viễn nếu không được điều trị.
2. Đối tượng nào dễ gặp tình trạng viêm dây thần kinh thị giác?
Viêm dây thần kinh thị giác có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến hơn ở nữ giới, đặc biệt trong độ tuổi từ 20-40. Một số đối tượng dễ mắc viêm dây thần kinh thị giác bao gồm:
- Nghiện thuốc lá, rượu bia.
- Mắc các bệnh tự miễn.
- Đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh có ảnh hưởng đến thần kinh.
- Người thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiều tác nhân gây bệnh, viêm nhiễm.
Nguồn tham khảo:
|
Recent Posts
Thứ năm 19, 12 2024
Chàng hoạ sỹ “một tay” thực hiện di nguyện hiến giác mạc của bốThứ ba 03, 12 2024
Trường hợp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình hiến tặng giác mạcThứ ba 03, 12 2024
Lan tỏa lòng nhân ái từ hành động hiến giác mạc của cụ ông 86 tuổi