Địa chỉ

72 Đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Bài viết

Phẫu thuật cắt dịch kính được nghiên cứu ở Việt Nam vào khoảng năm 1991. Nhờ ứng dụng kỹ thuật và trang thiết bị máy móc hiện đại, cắt bỏ dịch kính đã trở nên đơn giản hơn. Trong lĩnh vực y khoa, chúng ta đã đạt được nhiều thành tự trong các lĩnh vực nghiên cứu cắt dịch kính bán phần trước, bán phần sau và cắt dịch kính trên mắt có bong võng mạc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn về công dụng, chỉ định và quy trình của phương pháp này.

Phẫu thuật cắt dịch kính: Công dụng, chỉ định và quy trình

Phẫu thuật cắt dịch kính được nghiên cứu ở Việt Nam vào khoảng năm 1991. Nhờ ứng dụng kỹ thuật và trang thiết bị máy móc hiện đại, cắt bỏ dịch kính đã trở nên đơn giản hơn. Trong lĩnh vực y khoa, chúng ta đã đạt được nhiều thành tự trong các lĩnh vực nghiên cứu cắt dịch kính bán phần trước, bán phần sau và cắt dịch kính trên mắt có bong võng mạc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn về công dụng, chỉ định và quy trình của phương pháp này.


Phẫu thuật cắt dịch kính là gì?

Cắt dịch kính (Vitrectomy) là phẫu thuật loại bỏ dịch kính bị đục, giúp điều trị một số bệnh lý dịch kính võng mạc. Phẫu thuật cắt dịch kính bao gồm các thao tác phẫu thuật tính từ trong buồng dịch kính, loại trừ dịch kính bệnh lý, thay vào đó là dung dịch nước muối sinh lý, từ đó ngăn chặn tình trạng giảm thị lực hoặc các tổn thương dịch kính võng mạc gây các nguy cơ như xuất huyết, bong võng mạc…

Tại sao cần cắt dịch kính?

Cắt dịch kính là phương pháp tốt nhất để điều trị những bệnh lý võng mạc thường bao gồm bệnh bong võng mạc, rách võng mạc, thoái hóa võng mạc, võng mạc tiểu đường, bệnh tăng sinh võng mạc… nhằm ngăn chặn nguy cơ gây giảm thị lực và các tổn thương dịch kính(1).

Phẫu thuật cắt dịch kính

Tình trạng nào được chỉ định cắt dịch kính?

Cắt dịch kính không phù hợp với tất cả mọi người, dưới đây các trường hợp được chỉ định và chống chỉ định.

Chỉ định

  • Người bị đục dịch kính gây giảm thị lực
  • Người bị bệnh võng mạc tăng sinh
  • Một số trường hợp chấn thương mắt
  • Người bị viêm nội nhãn
  • Trường hợp bị bệnh võng mạc đái tháo đường
  • Người bị một số biến chứng của phẫu thuật thủy tinh
  • Trường hợp bị co kéo dịch kính lên gai thị và hoàng điểm
  • Bong võng mạc có vết rách
  • Xuất huyết dịch kính

Chống chỉ định

  • Người bị teo nhãn cầu, mất chức năng thị giác
  • Người mắc bệnh glocom tân mạch

Phân loại phẫu thuật cắt dịch kính

Cắt dịch kính được chia thành 2 loại: Phẫu thuật cắt dịch kính trước và phẫu thuật cắt dịch kính sau(2).

Phẫu thuật cắt dịch kính trước

Phẫu thuật cắt dịch kính (1)

  • Mục đích: Cắt dịch kính bán phần trước nhằm loại trừ những phần dịch kính đục, co kéo hay bất thường về vị trí và gây hậu quả bệnh lý, thường kết hợp trong lấy thể thủy tinh, đục vỡ, đục lệch…
  • Kỹ thuật: Phẫu thuật cắt dịch kính trước thường đi qua rìa giác mạc bằng một đường mở hẹp. Tuy nhiên, nên đi qua pars plana vì đi qua rìa không lấy hết được chất thể thủy tinh nằm sau mống mắt, cũng như không xử lý được hết co kéo của vùng nền dịch kính, và không lấy được những mảnh chất nhân rơi vào buồng dịch kính. Việc xử lý những tổn thương của dịch kính và bán phần sau cũng rất khó khăn.

Do đó, nên mở đường hẹp qua pars plana, có thể dùng kim nước đặt cạnh đầu cắt. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch kính ở tiền phòng và phần trước của dịch kính. Tuy nhiên phương pháp này cần thực hiện khéo để tránh gây quấn tổ chức và gây co kéo nhiều.

Phẫu thuật cắt dịch kính Pars Plana sau

Phẫu thuật cắt dịch kính qua pars plana điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến phần sau của mắt. Pars plana là phần phẳng của thể mi ở mắt. Phần sau chứa võng mạc, biểu mô sắc tố võng mạc, màng mạch và củng mạc. Vị trí này cũng chứa khoang thủy tinh thể và thủy tinh thể.

Kỹ thuật

  • Chuẩn bị: Giãn đồng tử tốt là điều kiện quan trọng cho cắt dịch kính. Vì vậy có thể duy trì giãn đồng tử bằng một số thuốc tra mắt trước mổ hoặc một số dung dịch đặc biệt trong quá trình phẫu thuật.
  • Tạo đường mở vào nhãn cầu: qua pars plana mở tại 3 vị trí trên thành nhãn cầu, thao tác này được ví như mổ nội soi,phẫu thuật viên tạo đường vào để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong mắt.
  • Truyền dịch vào nội nhãn: Kim truyền dịch được đặt vào mắt đầu tiên và được rút ra khỏi mắt khi kết thúc các thao tác trong nội nhãn với tác dụng duy trì áp lực trong quá trình phẫu thuật. Các dung dịch truyền có thể là nước muối sinh lý, dung dịch muối đẳng trương (BSS), ringer lactat… Thành phần dịch truyền có thêm các thuốc như: adrenalin, kháng sinh,…

Nguyên tắc cắt dịch kính

Phẫu thuật cắt dịch kính (3)

Cắt dịch kính là một phẫu thuật phức tạp, cần đảm bảo các nguyên tắc như sau:

  • Đảm bảo sự cân bằng áp lực nội nhãn
  • Đảm bảo sự hài hòa giữa tốc độ cắt và lực hút
  • Quan sát đáy mắt bằng soi đáy mắt bằng các loại thấu kính hội tụ kết hợp kính hiển vi có trang bị đèn khe
  • Nguyên tắc cắt dịch kính là cắt từ trung tâm ra chu biên, từ nơi dịch kính đục đến nơi dịch kính nhiều, từ xa võng mạc đến gần võng mạc, từ nơi không rách võng mạc đến nơi có rách võng mạc. Hạn chế co kéo, hạn chế chấn thương do phẫu thuật gây ra.

Các thao tác khác trên dịch kính

  • Bóc và cắt các màng trước võng mạc
  • Cắt những dây chằng co kéo của dịch kính
  • Bơm vào dịch kính
  • Thao tác khác: điện động nội nhãn dùng cầm máu, đốt võng mạc trước khi cắt. Laser dùng khi hàn rách các bong võng mạc…
  • Cuối cùng, bác sĩ thực hiện đóng vết mở vào nhãn cầu

Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật cắt dịch kính?

Trước phẫu thuật cắt dịch kính, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Trường hợp bị bệnh lý về võng mạc, nếu chưa thực hiện phẫu thuật gấp, người bệnh nên hạn chế vận động mạnh, không đi máy bay… dành thời gian nghỉ ngơi.
  • Người bệnh ăn sáng bình thường vào ngày phẫu thuật, trừ trường hợp làm xét nghiệm máu phục vụ phẫu thuật thì nên nhịn ăn trước khi lấy máu.
  • Hạn chế uống bia rượu, sử dụng chất kích thích trước phẫu thuật
  • Người bệnh không nên trang điểm mắt vào ngày phẫu thuật
  • Tránh mặc áo chui đầu, hoặc áo chất liệu lông thú
  • Ngủ đủ giấc, chuẩn bị tinh thần và tâm lý thoải mái trước phẫu thuật
  • Vào ngày phẫu thuật người bệnh không nên tự lái xe

Quy trình cắt dịch kính

Phẫu thuật cắt dịch kính (0)

Thăm khám và tư vấn trước phẫu thuật:

Bác sĩ nhãn khoa trực tiếp thăm khám và tư vấn cho người bệnh trước phẫu thuật cắt dịch kính. Đồng thời nói rõ hơn về phương pháp cắt dịch kính, kết quả đạt được cũng như các rủi ro có thể gặp trong và sau quá trình phẫu thuật.

Tiến hành phẫu thuật:

  • Trước phẫu thuật khoảng 1 giờ(3), bác sĩ sẽ tiến hành tra thuốc giãn đồng tử cho người bệnh.

Bước 1: Tiêm tê cạnh nhãn cầu

  • Người bệnh được sát khuẩn quanh vùng mắt và tiêm tê cạnh nhãn cầu. Lúc tiêm người bệnh có cảm giác hơi đau, nhưng cảm giác này sẽ hết sau 3 – 5 phút khi thuốc phát huy tác dụng.

Bước 2: Phẫu thuật để thay thủy tinh thể

  • Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh cần thực hiện thay thủy tinh thể đồng thời với phẫu thuật cắt dịch kính.

Bước 3: Thiết lập để tìm đường vào trong buồng dịch kính

  • Một dụng cụ có tên gọi là Troca sẽ thông với buồng dịch kính, bác sĩ sẽ được đặt tại 3 – 4 vị trí cạnh rìa giác mạc. Một vị trí khác đặt đinh nước để duy trì hình dạng của nhãn cầu, vị trí thứ 2 bác sĩ sẽ đặt thiết bị chiếu sáng, vị trí thứ 3 để dành đặt thiết bị cắt dịch kính, cũng có thể là đầu laser (nếu cần).

Bước 4: Cắt dịch kính

  • Bác sĩ thực hiện cắt dịch kính và thực hiện các thủ thuật chuyên môn khác nhau tùy vào từng loại bệnh lý mà người bệnh mắc phải.

Bước 5: Kết hợp các thủ thuật

  • Trong phẫu thuật, bác sĩ có thể sẽ kết hợp một trong các thủ thuật sau: Bơm thuốc nhuộm để làm rõ dịch kính hoặc màng trước võng mạc, lạnh đông – quang đông võng mạc nếu cần…

Bước 6: Bơm khí nở, không khí, và dầu Silicon (nếu cần)

  • Bác sĩ sẽ thực hiện bơm nước (dung dịch BSS) đầy buồng dịch kính và kết thúc phẫu thuật sau khi đã cắt dịch kính, đồng thời thực hiện xong các thủ thuật trong võng mạc.

Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật

Phẫu thuật cắt dịch kính (1-2)

Sau phẫu thuật, người bệnh nên chăm sóc và theo dõi vết thương vùng mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cụ thể như sau:

  • Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, sử dụng thuốc nhỏ mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ
  • Tránh dụi tay lên mắt, tác động mạnh đến vùng mắt
  • Sau phẫu thuật nên duy trì tư thế nằm sấp trong 3 – 5 ngày
  • Đối với phản ứng viêm sau lạnh đông cần ít nhất 10 – 14 ngày để lành thương. Khoảng thời gian này nguy cơ tái phát bong võng mạc cao, người bệnh nên nghỉ ngơi dưỡng sức tránh làm việc nặng.
  • Tái khám sau 1-3 ngày phẫu thuật

Đánh giá kết quả sau phẫu thuật

Ngay sau phẫu thuật cắt dịch kính, người bệnh được đưa về phòng hậu phẫu để được các bác sĩ, y tá và điều dưỡng chăm sóc, theo dõi. Bác sĩ nhãn khoa trực tiếp theo dõi và kiểm tra tình trạng mắt sau phẫu thuật. Trong trường hợp phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử lý và điều trị kịp thời.

Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật cắt dịch kính mắt

Tái khám

Người bệnh đến bệnh viện tái khám, kiểm tra tình trạng mắt sau 1-3 ngày phẫu thuật cắt dịch kính. Hoặc có thể sớm hơn nếu phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật.

Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật

Đối với các trường hợp cắt dịch kính thành công, tái khám thấy vết thương vùng mắt hồi phục nhanh, kết quả điều trị như mong đợi. Người bệnh sẽ không cần điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, một số trường hợp tái khám, phát hiện các biến chứng sau phẫu thuật như: Chảy máu dịch kính võng mạc, đục thủy tinh thể, bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp, teo nhãn cầu, tăng sinh dịch kính võng mạc, u hạt kết mạc… Lúc này cần điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt dịch kính (3)

Biến chứng rủi ro có thể gặp khi điều trị bằng phương pháp cắt dịch kính

Phẫu thuật cắt dịch kính là bước đột phá trong lĩnh vực nhãn khoa. Mặc dù áp dụng nhiều phương pháp hiện đại, nhưng những rủi ro trong mọi phẫu thuật là khó tránh khỏi.

Biến chứng trong phẫu thuật

Các biến chứng trong phẫu thuật cắt dịch kính thường bao gồm:

  • Tổn thương giác mạc: gây đục giác mạc do chạm dao cắt hoặc kim truyền vào giác mạc…
  • Tổn thương thể thủy tinh: do va chạm dụng cụ vào hoặc do thành phần dịch truyền có những biến đổi quá trình thủy động học trong nhãn cầu…
  • Chảy máu dịch kính võng mạc: nguyên nhân có thể do va chạm dụng cụ vào thể mi, mạch máu võng mạc, tân mạch võng mạc, dịch kính.
  • Rách võng mạc: do lỡ cắt vào võng mạc, hay do sự co kéo hoặc đứt chân võng mạc ở ora serrata.
  • Bong võng mạc: Bong võng mạc nốt cũ hoặc mới phát triển thêm do cắt dịch kính nguyên nhân có thể do mất cân bằng các yếu tố: Truyền vào, hút với tốc độ cắt…
  • Bong thể mi: hay gặp ở vị trí đặt kim nước khi đưa kim chưa hết bề dày củng mạc ta đã nước.

Biến chứng sau phẫu thuật

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có rủi ro. Những rủi ro hoặc biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật cắt dịch kính bao gồm:

  • Phản ứng phù đục dịch kính: sau cắt dịch kính có liên quan đến thành phần dịch truyền, thời gian phẫu thuật…
  • Chảy máu dịch kính võng mạc: Chiếm 10% tỷ lệ trong nhóm cắt dịch kính chung và 15% trong nhóm có bong võng mạc. Tuy nhiên, chảy máu khá nhẹ có thể máu đã chảy trong lúc phẫu thuật nay hòa tan ra trong khoang dịch kính.
  • Đục thể thủy tinh: Chiếm tỷ lệ khá cao nguyên nhân có thể do chấn thương phẫu thuật, hay bo bóng khí tiếp xúc lâu với cực sau thể thủy tinh.
  • Bong võng mạc: Bong mới hoặc rộng thêm trên mắt đã có bong võng mạc.
  • Một số biến chứng khác: Tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, nếp gấp võng mạc, viêm nội nhãn, hở mép khâu gây hạ nhãn áp kéo dài…

Các thắc mắc thường gặp

Cắt dịch kính có nguy hiểm không?

Cắt dịch kính là một phẫu thuật phức tạp bao gồm nhiều thao tác phẫu thuật từ trong buồng dịch kính nhằm điều trị những bệnh lý dịch kính võng mạc. Nhờ ứng dụng kỹ thuật hiện đại, phẫu thuật cắt dịch kính hiện nay đã trở nên đơn giản hơn và hạn chế tối đa rủi ro biến chứng. Tỷ lệ thành công ở các ca phẫu thuật tại Việt Nam và thế giới khá cao. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về phương pháp điều trị, ý thức được những rủi ro, biến chứng tiềm ẩn trong và sau phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt dịch kính (10)

Cắt dịch kính bao lâu thì khỏi?

Cắt dịch kính là phẫu thuật cần nhiều thời gian nghỉ ngơi để giúp ổn định vết thương. Vết thương vùng mắt sẽ lành và ổn định sau khoảng 2 – 4 tuần. Nếu phải lái xe, bạn nên đợi cho vết thương vùng mắt lành hẳn, thị lực đã được khôi phục để đảm bảo an toàn giao thông khi di chuyển.

Chi phí phẫu thuật cắt dịch kính hết bao nhiêu?

Chi phí phẫu thuật cắt dịch kính tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Đơn vị cắt dịch kính, tình trạng bệnh ở mỗi người. Chi phí có thể cao hoặc thấp, tuy nhiên cắt dịch kính là một phẫu thuật được hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế. Do đó, người bệnh khi cắt dịch kính sẽ được giảm một phần chi phí do bảo hiểm chi trả.

Cắt dịch kính có tái phát không?

Sau khi cắt bỏ dịch kính, một số trường hợp có khả năng tái phát. Tái phát sớm có thể xảy ra trong vòng 6 tuần sau phẫu thuật đầu tiên và tái phát muộn hơn 6 tuần sau đó. Nguyên nhân tái phát có thể do điều trị không đúng cách, và bệnh lý tăng sinh dịch kính võng mạc là nguyên nhân gây tái phát sớm. Các trường hợp tái phát muộn chủ yếu do lực kéo dịch kính, nhưng chiếm tỉ lệ khá ít.

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt dịch kính là bao lâu?

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt dịch kính kéo dài khoảng từ 2 – 4 tuần, nhanh hoặc chậm hơn tùy cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ chăm sóc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.


Phẫu thuật cắt dịch kính đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng trong lĩnh vực y khoa. Nhờ có phẫu thuật này mà nhiều bệnh lý về dịch kính võng mạc được điều trị khỏi và cho tỉ lệ thành công cao. Ngày nay, với kỹ thuật và máy móc công nghệ hiện đại, phẫu thuật cắt dịch kính đã trở nên dễ dàng và cho hiệu điều trị quả tối ưu hơn.

Nguồn tham khảo

  1. Omari, A., & Mahmoud, T. H. (2023, July 25). Vitrectomy. StatPearls – NCBI Bookshelf.
  2. Professional, C. C. M. (2024, May 1). Vitrectomy. Cleveland Clinic.
  3. What is vitrectomy? (2024, October 1). American Academy of Ophthalmology.