Địa chỉ

72 Đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Bài viết

Giác mạc là phần không thể thiếu của đôi mắt, có vai trò như thấu kính hội tụ đưa hình ảnh lên võng mạc để chúng ta nhìn thấy sự vật. Thêm vào đó giác mạc còn bảo vệ mắt khỏi khói bụi, vi khuẩn, lọc ra một số tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời, giúp bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể khỏi tổn thương.

Giác mạc mắt: Cấu tạo, chức năng, bệnh lý và hoạt động

Giác mạc mắt là phần không thể thiếu của đôi mắt, có vai trò như thấu kính hội tụ đưa hình ảnh lên võng mạc để chúng ta nhìn thấy sự vật. Thêm vào đó giác mạc còn bảo vệ mắt khỏi khói bụi, vi khuẩn, lọc ra một số tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời, giúp bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể khỏi tổn thương.


Giác mạc mắt là gì?

Giác mạc (Cornea – lòng đen) là lớp màng ngoài cùng chiếm 1/5 diện tích trước lớp vỏ nhãn cầu. Chức năng của giác mạc chính là để bảo vệ nhãn cầu khỏi bụi bẩn, vi khuẩn và các yếu tố ngoại lai khác, đồng thời giúp kiểm soát ánh sáng hội tụ đi vào mắt. Vì giác mạc nằm ngoài cùng và khá mỏng nên rất dễ tổn thương.

Cấu tạo của giác mạc mắt

Giác mạc bao gồm các protein và tế bào, không chứa các mạch máu, không giống như hầu hết các mô trong cơ thể con người. Các mạch máu có thể che mờ giác mạc, khiến giác mạc không thể khúc xạ ánh sáng đúng cách và có thể ảnh hưởng xấu đến thị lực. Vì không có mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng trong giác mạc nên nước mắt và thủy dịch ở tiền phòng đóng vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho giác mạc.

Hình ảnh cấu tạo giác mạc mắt
Hình ảnh minh họa cấu tạo của giác mạc (ảnh minh họa)

 

Giác mạc mắt bao gồm năm lớp: biểu mô, lớp Bowman, nhu mô, màng Descemet và nội mô.

Lớp đầu tiên, biểu mô, là một lớp tế bào bao phủ giác mạc, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng và oxy từ nước mắt và truyền nó đến phần còn lại của giác mạc. Đồng thời biểu mô cũng chứa các đầu dây thần kinh tự do và ngăn vật lạ xâm nhập vào mắt.

Giác mạc mắt có xu hướng tự phục hồi nhanh chóng sau những vết trầy xước nhỏ. Tuy nhiên, trầy xước sâu hơn có thể hình thành sẹo trên giác mạc, khiến giác mạc mất đi độ trong suốt dẫn đến suy giảm thị lực.

Chức năng của giác mạc mắt là gì?

Giác mạc mắt có 02 chức năng chính:

  • Giác mạc phối hợp cùng củng mạc, hốc mắt và mi mắt có tác dụng bảo vệ bề mặt nhãn cầu và ngăn vi khuẩn, bụi và các chất có hại khác xâm nhập vào nhãn cầu.
  • Giác mạc giống như một thấu kính điều khiển và tập trung ánh sáng vào mắt. Ánh sáng tới bề mặt của mắt phải được giác mạc và thủy tinh thể điều chỉnh trước khi đến võng mạc. Võng mạc sẽ chuyển đổi ánh sáng thành các xung thần kinh được truyền đến não để giúp chúng ta nhận biết hình ảnh.

Ngoài ra, giác mạc còn đóng vai trò như 1 bộ lọc, lọc ra các tia cực tím có hại để tránh cho thủy tinh thể và võng mạc bị tia cực tím làm tổn thương.

Giác mạc giống như một thấu kính điều khiển và tập trung ánh sáng vào mắt.
Giác mạc giống như một thấu kính điều khiển và tập trung ánh sáng vào mắt. (ảnh minh họa)

Giác mạc mắt hoạt động trong hệ thống như thế nào?

Phần trước của mắt có hệ thống thấu kính bao gồm giác mạc, đồng tử và thủy tinh thể. Ánh sáng đi vào mắt sau khi bị khúc xạ bởi giác mạc và thủy tinh thể sẽ tập trung vào võng mạc của mắt.

Ở đây, tín hiệu ánh sáng được chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh bởi các tế bào cảm thụ ánh sáng trong võng mạc. Tín hiệu này sẽ được truyền đến não thông qua hệ thống thần kinh thị giác và hình ảnh được xác định bởi não bộ. Đây là chính là cách các bộ phận của mắt phối hợp nhịp nhàng, giúp bạn nhìn thấy sự vật.

Các bệnh lý phổ biến của giác mạc mắt

Giác mạc mắt nằm ở vị trí ngoài cùng nên dễ bị tổn thương, nhiễm trùng và dẫn đến các bệnh về mắt như:

  • Khô mắt: Mắt cần được cung cấp đủ nước để biểu mô giác mạc0 hoạt động bình thường. Nước mắt có tác dụng bôi trơn bề mặt mắt và giúp biểu mô hấp thụ oxy từ không khí. Khô mắt gây đau đớn và có thể làm ảnh hưởng đến thị lực.
  • Nhiễm trùng: Tổn thương trên bề mặt giác mạc khiến nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng) dễ dàng tấn công, gây nhiễm trùng mắt, điển hình là bệnh viêm giác mạc do nhiễm ký sinh trùng acanthamoeba.
  • Viêm giác mạc: Nhiễm trùng, chấn thương và các vấn đề về mắt khác có thể dẫn đến tình trạng viêm giác mạc.
  • Chấn thương giác mạc: Vì nằm ở vị trí ngoài cùng nên giác mạc mắt rất dễ tiếp xúc với các dị vật từ bên ngoài, làm giác mạc bị trầy xước, rách giác mạc, loét giác mạc hoặc bào mòn giác mạc.
  • Bỏng giác mạc: Giác mạc mắt dễ tổn thương do nhiệt độ, dẫn đến tình trạng bỏng giác mạc. Bỏng giác mạc mắt có thể do nhiệt độ hoặc tia cực tím gây ra hoặc do hóa chất ở dạng lỏng hoặc khí bắn vào mắt.
  • Loạn dưỡng giác mạc: Một số bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc và cách thức hoạt động của giác mạc được gọi chung là “loạn dưỡng giác mạc”. Thuật ngữ này được sử dụng chung cho hơn 20 bệnh bao gồm cả bệnh loạn dưỡng giác mạc hình chóp và chứng loạn dưỡng Fuchs.

Ngoài các bệnh trên, tình trạng giác mạc mắt bị ảnh hưởng cũng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bong giác mạc,… và ảnh hưởng đến thị lực.

Giác mạc mắt: Cấu tạo, chức năng, bệnh lý và hoạt động

Dấu hiệu tình trạng giác mạc cần gặp bác sĩ?

Khi giác mạc mắt xuất hiện các dấu hiệu sau, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và chữa trị kịp thời:

  1. Thay đổi tầm nhìn, bao gồm song thị, suy giảm thị lực hoặc tầm nhìn biến dạng.
  2. Thị lực thay đổi đột ngột.
  3. Cảm giác có vật thể lạ trong mắt gây khó chịu.
  4. Đau mắt.
  5. Chảy nước mắt (epiphora).
  6. Độ nhạy sáng (sợ ánh sáng).
  7. Đỏ mắt hoặc kích ứng.
  8. Chảy máu hoặc chảy nước mắt.
  9. Giác mạc mắt xuất hiện vết thủng, vết rách hoặc vết thương.

Biến chứng rủi ro khi giác mạc mắt bị ảnh hưởng

Với tổn thương hoặc vết trầy nhỏ, tế bào biểu mô khỏe mạnh của mắt sẽ nhanh chóng phục hồi vết thương, không để cho tổn thương tiếp tục gây nhiễm trùng và ảnh hưởng thị lực. Vết tổn thương nông dễ hồi phục hoàn toàn hoặc nếu để lại sẹo cũng rất mỏng.

Tuy nhiên, nếu tổn thương sâu trong giác mạc mắt, người bệnh dễ xuất hiện các triệu chứng như đau nhiều, mờ mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Các tổn thương này dễ để lại sẹo dày, gây suy giảm thị lực và khả năng cao phải ghép giác mạc.

Các phương pháp chẩn đoán và khám giác mạc mắt

Người bệnh làm bài kiểm tra trường thị giác để đánh giá thị lực ngoại vi. (ảnh minh họa)
Người bệnh làm bài kiểm tra trường thị giác để đánh giá thị lực ngoại vi. (ảnh minh họa)

Sau các bước thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm các bài test để đánh giá mức độ tổn thương mắt:

  1. Kiểm tra chuyển động mắt: Bác sĩ sẽ di chuyển đồ vật, yêu cầu người bệnh dùng mắt dõi theo mà không xoay cổ.
  2. Test thị lực: Bảng Snellen là bảng đo thị lực chứa các hàng chữ cái với kích thước giảm dần từ trên xuống. Bác sĩ sẽ để người bệnh ngồi cách bảng một khoảng cách nhất định và đọc các chữ cái từ trên xuống dưới, từ to đến nhỏ để kiểm tra thị lực.
  3. Kiểm tra tật khúc xạ: Kiểm tra khúc xạ nhằm mục đích xác định liệu chức năng mắt có hoạt động bình thường hay không hoặc người cần điều chỉnh độ kính mắt. Bác sĩ nhãn khoa sẽ dùng máy khúc xạ kỹ thuật số để đánh giá khả năng điều chỉnh thị lực của mắt. Trường hợp bạn có tật khúc xạ, bác sĩ sẽ cần điều chỉnh thấu kính.
  4. Kiểm tra thị trường mắt: Người bệnh làm bài kiểm tra trường thị giác để đánh giá thị lực ngoại vi. Bác sĩ nhãn khoa yêu cầu bạn nhìn dụng cụ đặc biệt, nhấn nút khi thấy ánh sáng nhấp nháy. Người bệnh cần giữ yên đầu, che một bên mắt và chỉ ra khi thấy bàn tay bác sĩ chuyển động.
  5. Kiểm tra khả năng nhận biết màu sắc: Người bệnh được kiểm tra khả năng nhận biết màu sắc bằng cách sử dụng bảng hình chấm đa màu Ishihara. Nếu người bệnh mất đi khả năng nhận biết một vài màu sắc cụ thể, người bệnh sẽ không thể thực hiện bài kiểm tra.
  6. Khám mắt tổng thể: Bác sĩ sẽ dùng đèn khe để khám các bộ phận trong mắt như: giác mạc, mống mắt, thủy tinh thể và khoang trước mắt. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ sử dụng thêm thuốc nhỏ mắt huỳnh quang để phát hiện nếu giác mạc mắt xuất hiện tổn thương, dị vật hoặc nhiễm trùng.
  7. Kiểm tra võng mạc: Khám võng mạc nhằm mục đích kiểm tra phần sau mắt, gồm dây thần kinh thị giác và võng mạc. Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc để làm giãn đồng tử, dùng những công cụ khác như đèn khe, kính soi đáy mắt hoặc đèn sáng đeo trên đầu để kiểm tra mắt. Thuốc nhỏ mắt có thể dẫn đến tác dụng phụ là làm mờ tầm nhìn và khiến mắt nhạy cảm với ánh sáng trong khoảng thời gian nhất định sau khi khám.
  8. Đo nhãn áp: Bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng áp kế để đo lường áp suất bên trong mắt. Trước đó bác sĩ có thể nhỏ thuốc nhỏ mắt để gây tê mắt.

Điều trị các bệnh liên quan tới giác mạc mắt

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp:

Điều trị bằng thuốc

Một số bệnh giác mạc mắt, đặc biệt là nhiễm trùng, có thể điều trị được bằng thuốc bác sĩ kê đơn. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và phân loại bệnh mà bạn sẽ dùng thuốc dạng thoa trực tiếp lên mắt như mỡ, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc đường uống như thuốc viên hoặc dung dịch.

Đeo miếng che mắt

Một vài tình trạng trầy xước ở mắt có thể được bác sĩ chỉ định đeo miếng che mắt để kích thích tiến trình hồi phục giác mạc mắt nhanh hơn khi giác mạc đang được bảo vệ bới mí mắt. Các phương pháp điều trị sâu hơn bao gồm kính áp tròng scleral, kính áp tròng và ghép màng ối (amniotic membrane grafts).

Liệu pháp Laser

Liệu pháp laser thường được sử dụng cho những ca phẫu thuật điều chỉnh thị lực

Liệu pháp laser thường được sử dụng cho những ca phẫu thuật điều chỉnh thị lực, giúp thay đổi hình dạng giác mạc mắt để điều chỉnh mức độ khúc xạ ánh sáng ở mắt.

Phẫu thuật mắt

Các loại phẫu thuật mắt phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật tạo hình mí mắt: để khắc phục tình trạng sụp mí mắt, bác sĩ sẽ rạch một hoặc nhiều vết mổ nhỏ để loại bỏ da, cơ và loại bỏ hoặc định vị lại phần mỡ.
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể: đục thủy tinh thể là một vùng đục trong thủy tinh thể của mắt khiến bạn khó nhìn rõ. Bác sĩ sẽ loại bỏ thủy tinh thể bị đục và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.
  • Phẫu thuật bệnh tăng nhãn áp: bác sĩ chèn một ống nhỏ gọi là shunt vào lòng trắng mắt của bạn; ống giúp chất lỏng dư thừa thoát ra khỏi mắt, giảm áp lực trong mắt. Trong phẫu thuật cắt bè củng mạc, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ ở trên củng mạc mắt, dưới mí mắt để dẫn lưu dịch lỏng trong mắt.
  • Phẫu thuật LASIK: Trong phẫu thuật mắt bằng laser này, bác sĩ sử dụng laser để thay đổi hình dạng giác mạc, giúp điều chỉnh tầm nhìn cho người bị cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Phẫu thuật cắt giác mạc mắt bằng quang học, thường được gọi là PRK, có thể được sử dụng như một phương pháp thay thế LASIK cho bệnh nhân bị khô mắt hoặc giác mạc mỏng.
  • Phẫu thuật võng mạc: giúp sửa chữa võng mạc bị hư hỏng hoặc bong ra. Để khắc phục vết rách, lỗ thủng và cố định võng mạc, bác sĩ có thể sử dụng đầu dò đông lạnh (cryopexy) hoặc chiếu tia laser để tạo vết bỏng nhỏ (quang đông). Trong phẫu thuật ấn độn bề mặt mắt (scleral buckle surgery) hay ấn độn củng mạc, bác sĩ sẽ khâu một miếng độn vào tròng trắng (củng mạc), giúp đẩy võng mạc vào lại thành mắt, đồng thời giảm lực co kéo dịch kính trên võng mạc. Trong phẫu thuật áp võng mạc bằng hơi (pneumatic retinopexy), bác sĩ sẽ bơm bóng khí hoặc hơi vào vùng trung tâm mắt (hay khoang dịch kính). Bóng hơi sẽ giúp đẩy vùng võng mạc có lỗ thủng về thành mắt, ngăn dịch chảy xuống khoang sau võng mạc. Trong phẫu thuật cắt dịch kính (vitrectomy), bác sĩ sẽ loại bỏ 1 phần dịch kính để tiếp cận tốt hơn với võng mạc và tạo khoảng trống cho bóng hơi, vì vậy có thể sử dụng kết hợp phẫu thuật cắt dịch kính cùng với phương pháp ấn độn củng mạc.
  • Phẫu thuật cơ mắt: lác là tình trạng hai mắt không di chuyển cùng nhau như một cặp; một mắt có thể trôi vào, ra, lên hoặc xuống. Nếu người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng khôi phục cơ mắt về vị trí thích hợp bằng cách sử dụng các kỹ thuật làm suy yếu hoặc tăng cường cơ mắt, bằng cách loại bỏ một phần cơ hoặc gắn thêm cơ vào một điểm khác trong mắt.

Ghép giác mạc mắt hoặc đặt giác mạc nhân tạo

Một số bệnh có thể làm đục, hư hỏng giác mạc. Khi vấn đề này nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật để thay thế giác mạc mắt.

Một số bệnh có thể làm đục, hư hỏng giác mạc. Khi vấn đề này nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật để thay thế giác mạc mắt. Bác sĩ sử dụng một công cụ đặc biệt để giữ cho mắt mở trong khi loại bỏ phần giác mạc mắt bị tổn thương và thay thế bằng mô khỏe mạnh của người hiến tặng. Các bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật tạo hình giác mạc xuyên thấu hoặc tạo hình giác mạc dạng phiến.

Chăm sóc giác mạc mắt như thế nào?

Để giác mạc mắt không bị tổn thương và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, biện pháp hiệu quả nhất chính là thăm khám mắt định kỳ và đi khám ngay khi mắt xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

  • Khám mắt định kỳ: Những điều này có thể phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến giác mạc mắt của bạn (và mắt của bạn nói chung) trước khi các triệu chứng tiến triển.
  • Rửa tay thường xuyên: Giúp loại bỏ những chất gây kích ứng mắt, vi trùng, vi khuẩn và vi sinh vật ngoại lai nguy hiểm có khả năng tấn công và làm giảm sức đề kháng mắt.
  • Không dùng chung mỹ phẩm và vật dụng cá nhân: Dùng chung mỹ phẩm, thuốc hoặc các vật dụng cá nhân dành cho mắt có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh về mắt. Đeo và bảo quản kính áp tròng cẩn thận, vì kính tiếp xúc trực tiếp với giác mạc mắt, điều này giúp bảo vệ mắt khỏi bị nhiễm trùng, gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.
  • Hạn chế chạm vào mắt: Dụi hoặc chạm vào mắt với lực lớn dễ gây ra tổn thương, trầy xước giác mạc ngoài ý muốn hoặc làm xê dịch bề mặt giác mạc, vì vậy nên hạn chế chạm vào mắt.
Nguồn tham khảo: