Địa chỉ

72 Đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Bài viết

Vừa thi đỗ lớp 10, cô bé và mẹ có hành động ý nghĩa bất ngờ

Quyết định đăng ký hiến tặng mô tạng ở tuổi 15, Nguyễn Ngọc Mai Phương, tân nữ sinh song ngữ Anh – Trung trường PTTH Hòa Bình – La Trobe – Hà Nội chia sẻ:” Ngày xưa cha ông hy sinh máu xương, còn ngày nay không xảy ra chiến tranh nữa nhưng con muốn góp sức. Con nghĩ rằng việc đăng ký hiến tặng mô tạng sẽ góp 1 phần nhỏ gì đó xây dựng nước nhà”.

“Con làm vì lý tưởng…”

Một ngày đầu tháng 7, Mai Phương, 15 tuổi, cùng mẹ thức dậy như bao ngày bình thường khác. 10 giờ sáng, hai mẹ con đã tới Ngân Hàng Mô – Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2.

“Hai mẹ con chị đến đây để đăng ký hiến tạng”, mẹ của Mai Phương nói với chúng tôi.

Ở tuổi 15, Mai Phương đã nhận thức rất cụ thể, chính xác về cái chết. Cô bé đánh dấu vào các ô thận, tuỵ, gan, xương, tim… một cách dứt khoát.

Mai Phương chia sẻ:“Khi con mất đi, trái tim hay giác mạc của con sẽ giúp một bạn nào đó có sự sống là điều vô cùng ý nghĩa.”. Cô bé đã từng tham gia các hoạt động kêu gọi hiến máu nhân đạo, cũng đã từng cùng mẹ đi thăm các bạn nhỏ bị bệnh ung thư. Một cách tự nhiên nhất, Mai Phương cảm nhận sâu sắc sự sống và cái chết, cảm nhận ý nghĩa của những việc làm nhân văn.

Chia sẻ về quyết định của Mai Phương, mẹ cô bé cho biết:”Nhận thức của con về ý nghĩa của việc đăng ký hiến mô tạng rất tốt. Cá nhân Mai Phương cũng tự tìm hiểu và mong muốn bản thân mình sẽ làm được 1 việc gì đó thật ý nghĩa. Con đã đề cập vấn đề này với gia đình và được mọi người hưởng ứng nên con cảm thấy rất vui. Lúc nghe tin mẹ đã thực hiện đăng ký hiến tặng mô tạng, thì con chỉ cảm thấy bất ngờ một chút chứ con không thấy sợ. Con rất hứng khởi và nói bản thân cũng mong muốn được cùng mẹ làm điều đó. Bởi đối với con đấy là một việc rất ý nghĩa.”

Trong hành trình truyền cảm hứng hiến tạng này, Mai Phương đồng thời cũng đã biết được thực trạng thiếu tạng ở nước ta. Khi được hỏi sẽ làm như thế nào để mọi người xung quanh vượt qua được sự “mê tín”, hiểu chết toàn thây chỉ là tín ngưỡng dân gian, không dựa trên nền tảng tôn giáo nào. Cô bé chia sẻ:”Con không nghĩ mình sẽ thay đổi được toàn bộ định kiến nhưng con nghĩ con có thể chia sẻ với những người xung quanh để hiểu được đây là 1 hành động cao đẹp. Đối với con, khi lần đầu tiên nghe tin về việc hiến tạng con cảm thấy “ồ đây là một hành động cần được lan tỏa” và con mong muốn con có thể dùng cơ thể của con giúp người khác nối tiếp cuộc sống, Và một phần nữa con nghĩ rằng việc hiến tạng sẽ góp 1 phần nhỏ gì đó xây dựng nước nhà. Nghĩ thôi cũng đã thấy vui, tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ. Ngày xưa cha ông hy sinh máu xương, còn ngày nay không xảy ra chiến tranh nữa nhưng con muốn góp sức. Con nghĩ rằng việc đăng ký hiến tặng mô tạng sẽ góp một phần nhỏ gì đó xây dựng nước nhà”.

Con cảm thấy điều đấy thật hạnh phúc, tự hào bởi con đã góp sức làm việc tốt kéo dài sự sống của một ai đó.”

Không chỉ ý thức trách nhiệm với xã hội, Mai Phương còn cảm thấy vui vẻ khi hình dung trái tim của mình đập tiếp trong cơ thể của một bạn khác sau khi bản thân đã trao tặng lại sự sống, và tự hào kể lại với mọi người xung quanh:“Con cảm thấy điều ấy thật hạnh phúc, tự hào bởi con đã góp sức làm việc tốt kéo dài sự sống của một ai đó”.

Trong đơn Mai Phương đã đề nghị giữ bí mật danh tính của mình đối với người nhận mô tạng sau khi qua đời. Giải thích về điều này, cô bé cho biết:”Con thấy rằng việc giữ bí mật hay không cũng không quan trọng ạ! Nhưng giữ bí mật vẫn tốt hơn chứ nhỉ? Tại con cảm thấy người được nhận sẽ không phải canh cánh việc trả ơn ạ! Con muốn họ sẽ sống thật tốt tiếp tục tô màu cuộc sống. Còn hiện tại khi còn đang sống con sẽ tự hào chia sẻ rằng mình đã làm việc tốt, con sẽ lan toả thật nhiều hạnh phúc cho những người cần.”

Niềm tin bất chấp thực trạng khó khăn

Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), đến nay đã có 170.000 người trên toàn quốc đăng ký hiến mô, tạng. Tuy nhiên đến nay, cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Rất nhiều người bệnh suy tạng mãn chờ đợi mỏi mòn đã không thể qua khỏi.

1 người hiến mô, tạng có thể cứu 8 người nhờ ghép tạng, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống 100 người nhờ ghép mô.

Mặc dù đến thời điểm này, xã hội đã tiến bộ nên quan niệm hiến tạng cứu người có phần cởi mở hơn trước. Tuy nhiên theo các con số thống kê và các chuyên gia đầu ngành, nguồn tạng được hiến vẫn rất nhỏ nhoi, nếu so với con số khổng lồ những bệnh nhân đang chờ được hiến. Mỗi ngày trôi qua với họ thực sự là một cuộc đấu tranh để giữ lại sự sống.

Khi lòng người còn nhiều những ngập ngừng, đắn đo khi cầm trên tay những tờ đơn đăng ký hiến tặng mô tạng, thì một cô bé đã trao cho những người làm công tác tuyên truyền chúng tôi niềm tin về hành trình vận động tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức về hiến tạng của cộng đồng. Từ lúc người đồng ý hiến tạng cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay thì họ chính là người thực sự hạnh phúc nhất, bởi từ giây phút ấy họ biết rằng nếu không may mình qua đời thì những bộ phận mà họ đã đăng ký hiến tặng sẽ mang lại sự sống cho bất kỳ ai, dù họ không hề quen biết và sự ra đi của họ thực sự không còn vô nghĩa. Tôi chưa hề thấy bất kỳ ai khi nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng trên tay mà họ không nở nụ cười hạnh phúc. Tuy còn vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi sẽ liên tục, kiên trì cho đến khi mọi người hiểu, ngấm dần thì nguồn hiến mới dồi dào, cơ hội cho người bệnh chờ được ghép tạng mới được nhiều hơn.

Trao yêu thương, nối dài sự sống!

Cho đi là còn mãi!